Tôi là L, 59 tuổi! Năm 2014 tôi có nhắn tin qua lại với một cô gái 21 tuổi! Chúng tôi liên lạc qua mail và điện thoại! Tôi với cô ấy hay nói chuyện tình cảm với nhau và tôi hứa cho tiền cô gái ấy trả nợ . Tôi đã gửi tiền cho cô ấy hai lần (100 triệu và thêm 40 triệu nữa). Bây giờ cô ấy bảo đã có chồng và không muốn liên lạc vì tôi hứa mua nhà cho cô ấy mà không làm. Cô ấy cắt đứt liên lạc với tôi. Tôi muốn khởi kiện cô ấy để đòi lại số tiền có được không? Hành vi của cô ấy có phải là hành vi lừa đảo không? Hiện tại tôi có giữ những giấy tờ chuyển tiền qua ngân hàng , mong luật sư tư vấn.Tôi xin cảm ơn.
Dear Mr L,
Luật Đại Hà xin gửi tới ông lời chào chân trọng. Cám ơn ông đã quan tâm, tin tưởng gửi thư tư vấn cho chúng tôi. Sau đây Luật Đại Hà xin giải đáp những thắc mắc của quý khách như sau:
Theo như những gì ông chia sẻ, năm 2014 ông có nhắn tin qua lại, nói chuyện tình cảm với một cô gái qua mail và số điện thoại, ông có hứa cho tiền cô gái đó để trả nợ và ông đã gửi cho cô ấy 140 triệu đồng. Về bản chất, việc ông hứa và gửi cho cô gái tiền dưới góc độ quan hệ pháp luật Dân Sự, đây là quan hệ tặng cho tài sản giữa ông và cô gái đó, cụ thể như sau:
Thứ nhất, căn cứ theo Điều 401 BLDS 2005 quy định về hình thức của Hợp đồng Dân sự: “1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”. Do đó, trong trường hợp tặng cho giữa ông và cô gái đó, không cần phải lập thành văn bản, chỉ qua lời nói, hành vi của cả hai đã tạo thành một hợp đồng tặng cho hợp pháp. Theo quy định tại Điều 465 BLDS về hợp đồng tặng cho tài sản “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.”
Như vậy, ông và cô gái đó đã có quan hệ pháp luật hợp đồng tặng cho tài sản, theo đó kể từ khi nhận được tài sản chuyển giao từ ông,hợp đồng tặng cho tài sản sẽ có hiệu lực và cô gái đó sẽ có toàn quyền sở hữu của mình với số tiền trên.
Thứ hai, theo quy định của BLDS, hợp đồng tặng cho có hai dạng là tặng cho có điều kiện và tặng cho không có điều kiện.
+ Tặng cho tài sản có điều kiện khi “. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho.
Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
+ Có thể thấy trong trường hợp này,theo như ông kể thì việc ông hứa và gửi tiền cho cô gái trả nợ xuất phát từ sự tự nguyện hoàn toàn, hai bên không thỏa thuận, giao hẹn về nghĩa vụ hay điều kiện gì bên nhận phải làm để được tặng cho số tiền đó. Đây là hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện
Thứ ba, căn cứ theo quy định tại Điều 248 BLDS về trường hợp chấm dứt quyền sở hữu khi Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác “Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao. ». Từ thời điểm ông gửi tiền cho cô gái , quyền sở hữu của ông đối với số tiền 140 triệu đồng đã chấm dứt đồng thời quyền sở hữu được chuyển giao sang cho cô gái. Ông không có quyền sở hữu đối với số tiền này nữa. Việc khởi kiện sẽ không có căn cứ pháp luật.
Kính thưa./