1.Tư vấn đòi lại tài sản đã tặng cho.
Tôi là L, 59 tuổi! Năm 2014 tôi có nhắn tin qua lại với một cô gái 21 tuổi! Chúng tôi liên lạc qua mail và điện thoại! Tôi với cô ấy hay nói chuyện tình cảm với nhau và tôi hứa cho tiền cô gái ấy trả nợ . Tôi đã gửi tiền cho cô ấy hai lần (100 triệu và thêm 40 triệu nữa). Bây giờ cô ấy bảo đã có chồng và không muốn liên lạc vì tôi hứa mua nhà cho cô ấy mà không làm. Cô ấy cắt đứt liên lạc với tôi. Tôi muốn khởi kiện cô ấy để đòi lại số tiền có được không? Hành vi của cô ấy có phải là hành vi lừa đảo không? Hiện tại tôi có giữ những giấy tờ chuyển tiền qua ngân hàng , mong luật sư tư vấn.Tôi xin cảm ơn.
Dear Mr L,
Luật Đại Hà xin gửi tới ông lời chào chân trọng. Cám ơn ông đã quan tâm, tin tưởng gửi thư tư vấn cho chúng tôi. Sau đây Luật Đại Hà xin giải đáp những thắc mắc của quý khách như sau:
Theo như những gì ông chia sẻ, năm 2014 ông có nhắn tin qua lại, nói chuyện tình cảm với một cô gái qua mail và số điện thoại, ông có hứa cho tiền cô gái đó để trả nợ và ông đã gửi cho cô ấy 140 triệu đồng. Về bản chất, việc ông hứa và gửi cho cô gái tiền dưới góc độ quan hệ pháp luật Dân Sự, đây là quan hệ tặng cho tài sản giữa ông và cô gái đó, cụ thể như sau:
Thứ nhất, căn cứ theo Điều 401 BLDS 2005 quy định về hình thức của Hợp đồng Dân sự: “1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”. Do đó, trong trường hợp tặng cho giữa ông và cô gái đó, không cần phải lập thành văn bản, chỉ qua lời nói, hành vi của cả hai đã tạo thành một hợp đồng tặng cho hợp pháp. Theo quy định tại Điều 465 BLDS về hợp đồng tặng cho tài sản “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.”
Như vậy, ông và cô gái đó đã có quan hệ pháp luật hợp đồng tặng cho tài sản, theo đó kể từ khi nhận được tài sản chuyển giao từ ông,hợp đồng tặng cho tài sản sẽ có hiệu lực và cô gái đó sẽ có toàn quyền sở hữu của mình với số tiền trên.
Thứ hai, theo quy định của BLDS, hợp đồng tặng cho có hai dạng là tặng cho có điều kiện và tặng cho không có điều kiện.
+ Tặng cho tài sản có điều kiện khi “. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho.
Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
+ Có thể thấy trong trường hợp này,theo như ông kể thì việc ông hứa và gửi tiền cho cô gái trả nợ xuất phát từ sự tự nguyện hoàn toàn, hai bên không thỏa thuận, giao hẹn về nghĩa vụ hay điều kiện gì bên nhận phải làm để được tặng cho số tiền đó. Đây là hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện
Thứ ba, căn cứ theo quy định tại Điều 248 BLDS về trường hợp chấm dứt quyền sở hữu khi Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác “Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao. ». Từ thời điểm ông gửi tiền cho cô gái , quyền sở hữu của ông đối với số tiền 140 triệu đồng đã chấm dứt đồng thời quyền sở hữu được chuyển giao sang cho cô gái. Ông không có quyền sở hữu đối với số tiền này nữa. Việc khởi kiện sẽ không có căn cứ pháp luật.
Kính thư.
2. Tư vấn về thừa kế.
Bố mẹ tôi có hai anh em, em trai tôi sinh sống cùng bố mẹ ở quê, còn tôi thì lập nghiệp và cư trú ở Hà Nội. Năm 2005 thì bố tôi mất, trước khi mất ông không để lại di chúc. Cuối năm 2010 thì mẹ tôi đột ngột qua đời nên tôi cũng không biết bà có để lại di chúc thừa kế cho các con không. Thời gian sau đó, khi tôi nói chuyện với em trai tôi về tài sản đất đai của bố mẹ để lại thì lúc đó em trai tôi đưa ra một số giấy tờ di chúc ghi trong năm 2007 và 2008 có nội dung mẹ tôi tôi để lại toàn bộ tài sản ruộng đất cho em trai tôi sau khi mất (số giấy tờ này do em trai tôi viết, mẹ tôi không biết chữ nên bà điểm chỉ ngón tay trỏ, có chứng thực của UBND xã và người làm chứng ký nhận trong đó) và một bản ghi trong năm 2009, tiêu đề là “ Văn bản cho tài sản, ruộng, đất, nhà” nội dung ghi chuyển toàn bộ số tài sản mà đã ghi trong năm 2007 và 2008 từ di chúc thừa kế sang cho vĩnh viễn kể từ ngày viết trong năm 2009 (văn bản này cũng do em trai tôi viết, có chứng thực của UBND xã nhưng không có người làm chứng ký xác nhận). Vậy nên, em trai tôi cho rằng, em tôi đã là chủ sở hữu toàn bộ số tài sản ruộng đất của mẹ tôi từ năm 2009. Tôi xin hỏi em tôi làm những thủ tục này đã đúng chưa? Tôi có quyền thừa kế phần nào đó với tài sản của bố mẹ không?
Luật Đại Hà xin gửi tới quý khách lời chào trân trọng. Cám ơn quý khách đã tin tương gửi thư tư vấn cho chúng tôi. Sau khi nhận được thông tin yêu cầu tư vấn của quý khách, trên cơ sở nghiên cứu áp dụng quy định pháp luật, nếu những thông tin của anh là đúng sự thật, Luật Đại Hà xin trả lời những thắc mắc của anh như sau:
– Thứ nhất, cần xác định mẹ của anh có quyền lập di chúc đối với toàn bộ tài sản của gia đình không?
Theo như những thông tin mà anh cung cấp, năm 2005 bố anh qua đời, không để lại di chúc. Sau đó em trai anh đưa ra một số giấy tờ di chúc năm 2007,2008 mẹ anh lập trước khi qua đời có nội dung bác gái để lại toàn bộ tài sản cho em trai anh. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 ( sửa đổi bổ sung 2009) về thừa kế theo di chúc, theo đó Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Theo quy định tại Điều 634 về di sản thừa kế gồm “ tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.Căn cứ theo Điều 638 , người lập di chúc có các quyền sau:
“1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Mẹ anh có quyền lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản của mình cho bất kỳ ai theo nguyện vọng, ý chí của mình. Tuy nhiên, về phạm vi tài sản, mẹ anh chỉ có quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình, đó là tài sản riêng của bà và phần tài sản trong tài sản chung. Do bố anh đã mất trước nên mẹ anh có quyền định đoạt với loại tài sản sau:
+ Tài sản riêng của mẹ anh: Theo quy định tại Điều 44, 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 , vợ/chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Điều 43 đã quy định rõ về các loại tài sản thuộc tài sản riêng của vợ/chồng:
“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Như vậy có thể thấy rằng, mẹ anh có quyền lập di chúc,quyền định đoạt đối với những tài sản riêng của mình hoặc những tài sản mà sau khi bố anh mất, bà đã tạo lập nên.
+ Tài sản nằm trong khối tài sản chung của gia đình bố mẹ anh. Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình về tài sản chung vợ chồng :
“ 1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.:
Nếu những tài sản trên là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ anh thì mẹ anh chỉ có quyền lập di chúc và định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của mình trong khối tài sản chung đó, không có quyền định đoạt toàn bộ tài sản.
– Thứ hai, xác định bản chất của giấy tờ , văn bản “cho tài sản, ruộng, đất, nhà” có hợp lệ không?
Theo thông tin mà anh cung cấp thì em trai anh có đưa ra một số giấy tờ di chúc ghi trong năm 2007 và 2008 có nội dung mẹ anh để lại toàn bộ tài sản ruộng đất cho em trai anh sau khi mất và một bản ghi trong năm 2009, tiêu đề là “ Văn bản cho tài sản, ruộng, đất, nhà” nội dung ghi chuyển toàn bộ số tài sản mà đã ghi trong năm 2007 và 2008 từ di chúc thừa kế sang cho vĩnh viễn kể từ ngày viết trong năm 2009. Bản chất của việc chuyển giao tài sản trên là quan hệ hợp đồng tặng cho tài sản có đối tượng là nhà, đất. Theo quy định của luật Dân sự, việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Văn bản tặng cho nhà đất của mẹ anh do em trai anh viết, có chứng thực của UBND xã phù hợp với quy định của pháp luật về điều kiện hợp đồng tặng cho.
Về phạm vi , đối tượng của quan hệ tặng cho tài sản, mẹ anh chỉ có quyền định đoạt, tặng cho 1/2 trong tổng số tài sản chung của vợ chồng để cho em trai anh.
– Thứ ba, hướng giải quyết đối với việc phân chia di sản của bố mẹ anh.
Từ thời điểm bố anh mất, Tài sản chung của bố mẹ anh được chia đôi. Trong đó ½ số tài sản là tài sản của bố anh được chia cho 3 người: mẹ anh, anh và em trai anh ( người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất). Tuy nhiên, thời điểm bố anh qua đời đến nay đã quá 10 năm, không còn thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Anh có quyền khởi kiện về tài sản chung chưa chia theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định đối với phần tài sản của bố anh.
Trân trọng./