Quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn

Vợ chồng bình đẳng về quyền yêu cầu ly hôn. Trong suốt thời kì hôn nhân, vợ chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn như nhau, không ai được cưỡng ép, lừa dối, cản trở vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng trong việc thực hiện quyền yêu cầu ly hôn của vợ, chồng. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ được quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, và nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của xã hội, Khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng như sau : “3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Chủ thể bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình, người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn với tư cách nguyên đơn trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới mười hai tháng tuổi. Việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn này sẽ chấm dứt khi người vợ đã qua thời kì mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, trong trường hợp người vợ đã bị sảy thai thì quyền yêu cầu ly hôn của người chồng được phục hổi.

Thứ hai, quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn tại Khoản 3 Điều 51 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ đặt ra đối với người chồng mà không áp dụng đối với người vợ. Trong thời gian người vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy mâu thuẫn vợ chồng đã quá sâu sắc, mục đích của hôn nhân không đạt được, việc tiếp tục duy trì hôn nhân sẽ gây bất lợi cho quyền lợi của người vợ, ảnh hưởng đến sức khỏe của người vợ, thai nhi hoặc trẻ sơ sinh mà người vợ có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lí giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung. Đây là một trong những quy định thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của pháp luật hôn nhân và gia đình. Quyền lợi của trẻ em và phụ nữ có thai được pháp luật tôn trọng, đề cao và bảo vệ chặt chẽ.

Thứ ba, điều này được áp dụng ngay cả trong trường hợp người vợ đang mang thai với người khác hoặc bố của đứa trẻ là ai thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền ly hôn. Điều này cho thấy trong trường hợp người chồng phát hiện vợ ngoại tình và đứa con vợ mình đang mang thai, mới sinh hay dưới 12 tháng tuổi không phải là con của mình thì vẫn bị hạn chế quyền ly hôn tức là không được quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn.

Thứ tư, điều luật quy định người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì liệu con nuôi của hai vợ chồng thì người chồng có được yêu cầu ly hôn không? Điều này vẫn còn gây bối rối trong việc giải quyết của các Tòa. Có Tòa thì không hạn chế ly hôn của người chồng khi đang nhận con nuôi, vì người vợ không bị tổn hại sức khỏe, tâm lý không bị ảnh hưởng nhiều nên người chồng có quyền yêu cầu ly hôn. Ở đây chỉ xét đến trường hợp con của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Hay Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mới có quy định về việc mang thai hộ, nếu người vợ vì mục đích nhân đạo, đang trong thời gian mang thai hộ hoặc đang trong thời gian sinh con hộ thì liệu người chồng có được yêu cầu ly hôn không? Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa có văn bản hướng dẫn các trường hợp cụ thể. Căn cứ về nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em suy ra trong trường hợp người vợ đang mang thai hộ hoặc sinh con hộ, thì người chồng vẫn bị hạn chế ly hôn.

Thứ năm, cần lưu ý rằng, khi vợ, chồng không thể bộc lộ ý chí do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhân thức, làm chủ được hành vi của mình mà dẫn tới việc được xác định mà mất hành vi năng lực dân sự thì người vợ, chồng đó cũng không thể thực hiện quyền yêu cầu ly hôn. Trường hợp này không được coi là hạn chế quyền yêu cầu ly hôn vì đây là trường hợp mà bản thân người mất năng lực hành vi dân sự không có khả năng tự thực hiện quyền của mình.

Luật sư tư vấn Ly hôn

CÔNG TY LUẬT ĐẠI HÀ
Địa chỉ: Số 44/282 Lạc Long Quân, P. Bưởi, Tây Hồ,Hà Nội
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH TẠI SƠN TÂY
Địa chỉ: Số 78 phố Sơn Lộc, P. Sơn Lộc, TX. Sơn Tây, Hà Nội
Hotline: 0972 923 886

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *