Lâu nay, thủ tục làm sổ đỏ (Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở) vẫn là một trong những vấn đề khiến nhiều người lo ngại khi thực hiện, đặc biệt là vấn đề chi phí. Cùng Luật Đại Hà tìm hiểu một số khoản phí mà người nộp phải đóng theo quy định dưới đây để có thêm kinh nghiệm trong quá trình làm sổ nhé!
Theo đó, người thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ phải nộp các khoản tiền sau: Tiền sử dụng đất; lệ phí trước bạ; lệ phí cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở; phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở.
1. Tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Chi phí đầu tiên mà người làm cần lưu tâm đến là tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
1.1 Căn cứ tính tiền sử dụng đất
Căn cứ Điều 3 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về căn cứ tính tiền sử dụng đất, thì:
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai và được xác định trên các căn cứ sau:
(1). Diện tích đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất.
(2). Mục đích sử dụng đất.
(3). Giá đất tính thu tiền sử dụng đất:
– Giá đất theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định áp dụng trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức.
+ Việc xác định diện tích đất trong hạn mức phải đảm bảo nguyên tắc mỗi hộ gia đình (bao gồm cả hộ gia đình hình thành do tách hộ theo quy định của pháp luật), cá nhân chỉ được xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở một lần và trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì hộ gia đình, cá nhân đó được cộng dồn diện tích đất của các thửa đất để xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở nhưng tổng diện tích đất lựa chọn không vượt quá hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở tại địa phương nơi lựa chọn.
+ Hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai diện tích thửa đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở được áp dụng tính thu tiền sử dụng đất; nếu bị phát hiện kê khai gian lận sẽ bị truy thu nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và bị xử phạt theo quy định của pháp luật về thuế.
– Giá đất cụ thể được xác định theo các phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư quy định tại Nghị định của Chính phủ về giá đất áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Xác định tiền sử dụng đất đối với trường hợp diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; từ 20 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh còn lại trong các trường hợp: Tổ chức được giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; hộ gia đình, cá nhân được giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức.
+ Xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
– Giá đất cụ thể được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng đối với trường hợp diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại áp dụng để xác định tiền sử dụng đất trong các trường hợp:
+ Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng cho các trường hợp áp dụng giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.
1.2. Thời điểm tính tiền sử dụng đất
Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
2. Lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
Cách tính lệ phí trước bạ, mức thu lệ phí trước bạ (%) được quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, được bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP.
Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%).
Mức thu lệ phí trước bạ đối với nhà, đất: 0,5%.
Lệ phí trước bạ sẽ được tính theo công thức dưới đây:
a, Lệ phí trước bạ đối với đất = 0.5% x (Giá 1m2 đất tại Bảng giá đất x Diện tích)
Trong đó:
– Diện tích đất là toàn bộ diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người đăng ký hồ sơ làm sổ đỏ, được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận và cung cấp cơ quan thuế.
– Giá 1m2 đất là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Dịch vụ luật sư tư vấn: 0972.923.886
b, Lệ phí trước bạn đối với nhà = 0.5% x Diện tích nhà (m2) x Giá 1m2 (đồng/m2) nhà x Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà chịu lệ phí trước bạ.
Trong đó:
– Diện tích nhà (m2): Là toàn bộ diện tích sàn nhà (kể cả diện tích công trình phụ kèm theo) thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
– Giá 1m2 nhà: Là giá thực tế xây dựng “mới” 1m2 sàn nhà của từng cấp nhà, hạng nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ;
– Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà chịu lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật.
3. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
Căn cứ khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận) sẽ do HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Vì thế, mức lệ phí sẽ có sự chênh lệch giữa các tỉnh thành phố.
Mặc dù mức thu mỗi tỉnh thành có thể khác nhau nhưng lệ phí cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân thường dưới 100.000 đồng/giấy/lần cấp (một vài tỉnh có mức thu là 120.000 đồng).
4. Phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận)
Ngay sau khi nộp hồ sơ yêu cầu làm sổ đỏ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ. Về cơ bản, giai đoạn này được hiểu là quá trình xác minh các điều kiện cần và đủ, khả năng thoả mãn của hồ sơ cho quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và tài sản của chủ hồ sơ. Điều này đã được quy định rõ ràng tại Điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC.
Phí thẩm định hồ sơ được HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Vì thế, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan này thì không cần phải nộp khoản phí này. Ngoài ra, người dân có thể phải nộp thêm tiền đo đạc do cán bộ địa chính thực hiện.
Với những lưu ý về các khoản phí cần chi trả trong quá trình làm sổ đỏ, Luật Đại Hà hy vọng bạn có thể hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng để được cấp giấy chứng nhận.
Vui lòng liên hệ trực tiếp để được Luật Đại Hà tư vấn nhiều hơn:
LUẬT SƯ TƯ VẤN – CÔNG TY LUẬT ĐẠI HÀ
Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6197
Yêu cầu dịch vụ luật sư: LS. Nguyễn Đình Thưởng – Hotline: 0972.923.886
Email: luatdaiha@luatvina.vn.