Trong một số trường hợp, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội vì muốn trốn tránh trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường mà tự sát. Vậy nạn nhân, người thân, những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ hành vi vi phạm sẽ được bù đắp tổn thất về tinh thần, sức khoẻ,…như thế nào? Ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân? Luật Đại Hà sẽ giải đáp các vướng mắc trên qua bài viết dưới đây:

Những trường hợp nào được bồi thường thiệt hại?

Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015, khi một người bị xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, uy tín, tài sản hay quyền và lợi ích hợp pháp thì sẽ được bồi thường thiệt hại.

Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, nhanh chóng. Các bên sẽ thỏa thuận về mức bồi thường, cách thức thực hiện. Có thể bồi thường bằng tiền, hiện vật ….

Ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân khi người phạm tội chết?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đối chiếu với quy định trên, người có hành vi gây thiệt hại sẽ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 đã nêu rõ nếu thiệt hại gây ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng nếu người bị thiệt hại chỉ có một phần lỗi thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại mà mình gây ra. Đối với trường hợp người gây thiệt hại chết mà có để lại tài sản thì theo quy định tại khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại như sau:

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Như vậy, căn cứ theo điều 615 Bộ Luật dân sự 2015, cho dù người gây thiệt hại đã chết nhưng nếu họ có tài sản để lại thì tài sản đó vẫn được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại. Khi đó, những người hưởng thừa kế của người gây thiệt hại sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân một phần tương ứng với số tài sản mình được hưởng. Trường hợp người gây thiệt hại đã chết không còn tài sản hoặc không để lại tài sản thì không ai có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại.

CÔNG TY LUẬT ĐẠI HÀ
Địa chỉ: Số 44/282 Lạc Long Quân, P. Bưởi, Tây Hồ,Hà Nội
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH TẠI SƠN TÂY
Địa chỉ: Số 78 phố Sơn Lộc, P. Sơn Lộc, TX. Sơn Tây, Hà Nội
Hotline: 0972 923 886

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *