Ngày 25/02/2020, Nghị định 22/2020/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung Nghị định 139/2016 quy định về lệ phi môn bài đã có hiệu lực. Theo đó Nghị định này đã bổ sung đối tượng được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo điệu kiện, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và giảm chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Thứ nhất, sửa đổi và bổ sung thêm nhiều trường hợp được miễn lệ phí môn bài

– Đối hợp tác xã nông nghiệp

Cụ thế ở Nghị định 22 đã sửa đổi Khoản 6 và Khoản 7 Điều 3 của Nghị định 139 như sau:

“6. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp;

7. Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.’’

Trên thực tế các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hợp tác xã nông nghiệp không chỉ thuần túy làm về nông nghiệp, mà còn làm trong các lĩnh vực khác nữa. Nên để phân biệt hoạt động nông nghiệp, hay hoạt động khác là rất khó.

Do đó để thống nhất cũng như khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp. Chính phủ đã ban hành thêm Nghị định 22 quy định thêm miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo quy định của pháp luật về hợp tác xã nông nghiệp.

– Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập

Việc miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở kinh doanh mới thành được Nghị định 22 bổ sung thêm Khoản 8 Điều 3 của Nghị định 139 như sau:

“8. Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:a) Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
b) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
c) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.”

Để thực hiện Nghị quyết 02 /NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Việc miễn lệ phí môn bài đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các cá nhân mới thành lập sẽ có động lực kinh doanh và thành lập nhiều doanh nghiệp mới hơn. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề định hướng phát triển nền kinh tế tư nhân theo hướng chuyên môn hóa, nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự doanh nghiệp ở Việt Nam.

– Đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh, và chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đó sẽ được miễn lễ phí môn bài đến 3 năm. Mục đích của việc bổ sung này cũng nằm trong chính sách cũng như tiêu chí của Nhà nước về việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sự cạnh tranh và hơn hết là nó giúp giảm đi một phần chi phí cho doanh nghiệp.

– Đối với trường phổ thông công lập và mầm non công lập

Ngoài việc miễn lệ phí môn bài cho các cơ sở kinh doanh ra thì Nghị định 22 còn miễn lệ phí môn bài với cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Do đa số các cơ sở giáo dục công lập đang hoạt động hiện nay đều không nhằm mục đích sinh lời, mục đích kinh doanh mà vì mục đích xã hội. Nên việc miễn lệ phí cho các cơ sở giáo dục công lập là việc tất yếu để thúc đẩy sự tự chủ cũng như mở rộng hơn việc thành lập các cơ sở giáo dục.

Thứ hai là thời gian khai, nộp lệ phí môn bài

Theo Nghị định 22 thì thời hạn nộp lệ phí môn bài vẫn giữ nguyên (chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm). Tuy nhiên, vì bổ sung thêm đối tượng được miễn lệ phí nên hạn nộp lệ phí với đối tượng này cũng được quy định mới. Cụ thể là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh thì sẽ được miễn lệ phí 3 năm. Khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) nộp lệ phí môn bài như sau:
– Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn.
– Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
– Đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể, ra hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nộp lệ phí môn bài như sau:
+ Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động.
+ Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động.
Các quy định này nhằm tạo sự linh hoạt về việc nộp lệ phi, nếu chỉ quy định một thời gian cụ thể thì sẽ gây ra việc chênh lệnh và mất cân bằng chung giữa các doanh nghiệp,

*Lưu ý: Ngoài thời hạn phải nộp lệ phí môn bài ra thì người nộp thuế cũng cần phải để ý đến thời hạn khai lệ phí môn bài. Theo Nghị định 22 thì việc khai lệ phí môn bài chỉ cần làm 1 lần và thời hạn chậm nhất là ngày 30 tháng 1 năm sau năm mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập.

Điều mà cần lưu ý ở đây là đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ được miễn lệ phí môn bài 3 năm khi bắt đầu thành lập, nhưng thời hạn khai lệ phí môn bài thì phải nộp ngay, chậm nhất là ngày 30 tháng 1 năm sau năm thành lập. Vì nếu không thực hiện Khai lệ phí môn bài tới cơ quan thuế đúng thời hạn thì người nộp thuế sẽ bị xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế. Mức xử phạt quy định tại Điều 9 Thông tư 166/2013/TT-BTC, với mức phạt nặng nhất có thể lên đến 5.000.000 đồng cho doanh nghiệp.

Thứ ba, thêm trường hợp không phải khai lệ phí môn bài

Nghị định 22 đã thêm một trường hợp không phải khai lệ phí môn bài. Cụ thể là Khoản 3 Điều 1 Nghị định 22 quy định hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài.

Theo đó, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính mức lệ phí môn bài phải nộp.

Đây là một trong những quy định đáng chú ý của Nghị định 22, quy định này giúp cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán bớt được thủ tục và tiết kiệm thời gian. Lý do là các đội tượng này nộp lệ phí môn bài dựa theo doanh thu, mà cơ sở dữ liệu doanh thu đã được cơ quan thuế xác định rồi cho nên không cần phải thêm bước khai lệ phí môn bài nữa.

Thứ tư, về việc tạm ngừng sản xuất kinh doanh

Theo điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định 22 người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch thì không phải nộp lệ phí cho năm tạm ngừng hoạt động nếu đáp ứng được 02 điều kiện sau:

– Văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước ngày 30/01 hàng năm.
– Chưa nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc này nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt được chi phí. Vì đa phần các doanh nghiệp tạm ngừng đều vì lý do kinh tế. Doanh nghiệp tạm ngừng thì sẽ không còn doanh thu, nếu đã không phát sinh lợi nhuận thì việc thu lệ phí sẽ là một gánh nặng mà doanh nghiệp sẽ phải chịu.

Trên đây là những điểm mới được bổ sung cũng như sửa đổi ở Nghị định 22/2020/NĐ-CP mà em đã tổng hợp được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *