Quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm do mình sáng tao ra hoặc sở hữu. Tuy nhiên không phải bất cứ tác phẩm nào cũng đươc coi là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Các loai hình tác phẩm được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả được quy định tai Điều 14 Luật SFTT 2005 sửa đổi 2009.
Các đối tượng không được bảo hộ dưới quyền tác giả được quy định tại Điều 15 Luật SHTT 2005 sửa đổi 2009 bao gồm:
Tin tức thời sự thuần túy
Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan: “Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo”.
Tin tức thời sự đưa tin sẽ được bảo hộ nếu có thêm sự đánh giá, nhận xét, bình luận quan điểm của cá nhân, sự sáng tạo của tác giả và được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định thì được pháp luật bảo hộ.
Trong trường hợp đăng tải lại tin tức thời sự không cần phải xin phép bằng văn bản. Tuy nhiên, cần có sự trích dẫn nguồn cụ thể, vừa đảm bảo tính chính xác của thông tin, vừa thể hiện sự tôn trọng đối với tác giả. Song nếu việc đăng tải lại thông tin gây thiệt hại cho tác giả thì phải bồi thường cho tác giả theo quy định về dân sự.
Văn bản quy phạm phát luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó
Khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan quy định: “Văn bản hành chính quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.
Đây là những dạng văn bản được cơ quan nhà nước dùng để truyền tải những thông tin, chính sách, quy định của nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân cũng như việc phổ biến rộng rãi để dẫn biết mà làm theo. Nếu được bảo hộ, các văn bản pháp luật, văn bản hành chính không thể phổ biến một cách dễ dàng. Hơn nữa, các văn bản này không thể hiện tính sáng tạo cũng như quan điểm cá nhân.
Quy trình hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Cũng như 2 đối tượng trên, quy trình hệ thống, phương pháp họat động, khái niệm, nguyên lý, số liệu không được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Bởi nó chỉ mang ý nghĩa cung cấp thông tin đúng sự thật và cần thiết phải có sự phổ biến rộng rãi mà không phải gặp bất cứ cản trở nào.
Tóm lại: Tác phẩm chỉ được bảo hộ khi đảm bảo đầy đủ 2 yếu tố: tính sáng tạo và được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định. Thiếu 1 trong 2 yếu tố này thì tác phẩm sẽ không được bảo hộ.