1. Trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận
Theo nguyên tắc chung, các điều kiện của hợp đồng do các bên tự thỏa thuận, nếu không trái pháp luật thì đều có giá trị pháp lý. Trong thực tiễn hoạt động thương mại, trong nhiều trường hợp vì nhiều lý do khác nhau các bên thường đưa vào hợp đồng những thỏa thuận nhằm hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm. Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 294 Luật thương mại năm 2005, “ các bên sẽ không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại nếu có sự thỏa thuận của các bên về trường hợp được miễn trách nhiệm”. Cơ sở của việc thừa nhận căn cứ này là quyền tự do hợp đồng giữa các bên.
Pháp luật của nước ta rõ ràng đã có sự thiếu xót ở đây bởi quy định này của nước ta mới chỉ đơn giản là công nhận trường hợp miễn trừ trách nhiệm hợp đồng đã được các bên thỏa thuận trước mà không lưu ý tới trường hợp một trong các bên lợi dụng sự tồn tại của điều khoản miễn trừ trách nhiệm để vi phạm hợp đồng, đề họ không phải chịu biện pháp chế tài nào, hậu quả là sự bất bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng thương mại không thể tránh khỏi.
2. Trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng
Theo quy định của điểm b khoản 1 điều 294 Luật thương mại năm 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh. Tức là kể cả trong trường hợp trong hợp đồng không thỏa thuận thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm.
Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả theo quy định tại điều 296 Luật thương mại năm 2005.
3. Trường hợp hành vi, vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Trường hợp miễn trách nhiệm này được quy định tại điểm c, khoản 1 , điều 294 Luật thương mại năm 2005. Theo đó, nếu một bên vi phạm hợp đồng nhưng việc vi phạm đó không phải là lỗi của bên vi phạm mà là lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm đối với vi phạm đó. Như vậy, căn cứ để miễn trách nhiệm trong trường hợp này phải là do lỗi của vi phạm. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm.
4. Trường hợp vi phạm hợp đồng do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng
Điểm d khoản 1 điều 294 Luật thương mại năm 2005 quy định : trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên là do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng là một căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại. Nếu như các bên đã biết về việc thực hện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm.
Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên, việc xác định cụ thể cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan cấp nào khó có thể bảo quát được hết các quyết định có thể là cơ sở miễn trách nhiệm cho bên vi phạm vì mỗi cấp quản lý đều có thể ra các quyết định có thể là cơ sở ra quyết định trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Chỉ những quyết định mang tính chất bất khả kháng bên vi phạm không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc vi phạm hợp đồng mới có thể là căn cứ miễn trừ trách nhiệm. Ví dụ như quyết định thu hồi đất phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *