Sau khi ly hôn, tài sản đã được phân định rõ ràng, vậy làm thế nào để tách, sang tên tài sản của vợ hoặc chồng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đúng luật và không ảnh hưởng đến bên còn lại. Luật Đại Hà sẽ chia sẻ cho quý Khách hàng những điều cần biết về điều kiện và thủ tục tách thửa đất sau khi ly hôn, qua bài viết sau đây:
Quy định pháp luật về việc tách thửa đất khi ly hôn
Luật Đất đai 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc tách thửa đất sau khi ly hôn hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung bản án đã tuyên tại Tòa án khi hai vợ chồng hoàn thành thủ tục ly hôn. Ngoài ra, việc tách thửa đất khi ly hôn phải đảm bảo:
- Diện tích thửa được tách không được thấp hơn diện tích tối thiểu theo từng địa phương và theo từng loại đất;
- Đất không có tranh chấp. Trong trường hợp này, đất đã được chia theo Quyết định của Tòa án khi ly hôn.
- Đất còn thời hạn sử dụng.
Hồ sơ thực hiện tách thửa đất
- Đơn đề nghị tách thửa đất;
- Bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Bản án hoặc quyết định của Tòa án về việc ly hôn.
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- Các giấy tờ liên quan khác.
Trình tự thực hiện tách thửa đất sau ly hôn
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và tiến hành đo đạc địa chính chia tách thửa đất và lập bản trích lục thửa đất được tách gửi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan.
- Cơ quan nhà nước về đất đai thực hiện việc đăng ký biến động đất đai, xác nhận thay đổi, chỉnh lý, cập nhật biến động vào cơ sở dữ liệu và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người sử dụng đất.