Ngày nay, tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng phổ biến và phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên việc thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về trình tự giải quyết tranh chấp đất đai khiến không ít người mất thêm thời gian và chi phí. Dưới đây là chi tiết về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai bạn cần nắm rõ.

1. Tranh chấp đất đai là gì?

Tại Điều 3 khoản 24 của luật Đất Đai 2013 đã quy định cụ thể:

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên có liên quan. Tức là những tranh chấp phải xác định người có quyền sử dụng đất thì mới được gọi là tranh chấp đất đai. Việc xác định tranh chấp đất đai vô cùng cần thiết bởi nó còn liên quan tới thủ tục giải quyết.

Lưu ý, một số tranh chấp dưới đây không được gọi là tranh chấp đất đai:

– Tranh chấp về giao dịch quyền sử dụng nhà ở, đất đai.

– Tranh chấp quyền sử dụng đất về di sản thừa kế.

– Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất khi ly hôn giữa vợ và chồng.

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Trường hợp 1: Tranh chấp đất đai (loại 1) thì sẽ do Luật đất đai điều chỉnh, cụ thể:

– Thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật đất đai (buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn); nếu không hòa giải mà khởi kiện tại Tòa án thì Tòa sẽ trả lại đơn khởi kiện.

– Trường hợp đất tranh chấp mà có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ khác với việc không có giấy tờ.

Trường hợp 2: Tranh chấp liên quan đến đất đai (loại 2) thì chủ yếu do Bộ luật Dân sự quy định nên thủ tục giải quyết khác (không giải quyết theo thủ tục của Luật Đất đai). Các bên có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án mà không phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã.

2.1. Không bắt buộc các bên tự hòa giải tranh chấp đất đai

Theo khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 khi các bên xảy ra tranh chấp thì: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích các bên hòa giải thông qua 02 hình thức

Hình thức 1: Tự hòa giải

Hình thức 2: Giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Theo Luật hòa giải ở cơ sở thì tranh chấp đất đai được hòa giải ở cơ sở do Hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp.

2.2. Hòa giải tại cấp xã là thủ tục bắt buộc

Theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 khi mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Như vậy, UBND cấp xã không tự hòa giải mà các bên phải có đơn yêu cầu.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã sẽ xảy tra 1 trong 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Hòa giải thành (kết thúc tranh chấp đất đai)

Trường hợp 2: Hòa giải không thành

Hòa giải không thành nếu muốn giải quyết việc tranh chấp thì theo 02 hướng sau:

Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định:

– Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn 1 trong 2 hình thức giải quyết sau:

+ Cách 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh (tùy thuộc vào chủ thể tranh chấp)

+ Cách 2. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân (theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự).

2.3. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi có Sổ đỏ

Khi một trong các bên có giấy chứng nhận hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai thì do Tòa án nhân dân nơi có đất xảy ra tranh chấp giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự dưới đây.

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu.

– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100.

– Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.

– Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

– Các giấy tờ chứng minh khác: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, ai khởi kiện vấn đề gì thì phải có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho chính yêu cầu khởi kiện đó.

Bước 2. Nộp đơn khởi kiện tại TAND cấp huyện có đất đang tranh chấp.

Bước 3. Tòa thụ lý và giải quyết

– Nếu hồ sơ chưa đủ thì Tòa án yêu cầu bổ sung.

– Nếu hồ sơ đủ:

+ Tòa thông báo nộp tạm ứng án phí.

+ Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thuế theo giấy báo tạm ứng án phí và mang biên lai nộp lại cho Tòa.

+ Sau đó tòa sẽ thụ lý.

Bước 4: Thủ tục chuẩn bị xét xử và xét xử

– Chuẩn bị xét xử: Thời hạn 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (Tổng 06 tháng – Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự).

– Trong giai đoạn này Tòa sẽ tổ chức hòa giải tại Tòa, nếu các bên không hòa giải thành thì sẽ Tòa sẽ đưa vụ án tranh chấp ra xét xử sơ thẩm (nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ).

– Sau khi có bản án sơ thẩm các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu không đồng ý với bản án và phải có căn cứ.

2.4. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ

Cách 1: Yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền giải quyết

– Trường hợp 1: Tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.

– Trường hợp 2: Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết.

Cụ thể:

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện:

Hộ gia đình, cá nhân cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ với giấy tờ như sau:

+ Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;

+ Biên bản hòa giải tại UBDN cấp xã;

+ Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;

+ Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

Bước 1. Nộp hồ sơ

Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện.

Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ

– Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu

– Chủ tịch UBND cấp huyện giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết

– Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ:

+ Thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết)

+ Hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND ban hành quyết định giải quyết tranh chấp.

Bước 4. Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành kết quả giải quyết

Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp.

– Nếu đồng ý kết quả giải quyết tranh chấp thì kết thúc tranh chấp.

– Không đồng ý kết quả giải quyết thì: Khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện).

– Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày;

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp tỉnh:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ:

– Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;

– Biên bản hòa giải tại UBND cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;

– Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;

– Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

Bước 1: Nộp hồ sơ

Địa điểm nộp: Tại UBND cấp tỉnh.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

– Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Thủ tục giải quyết

– Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.

– Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.

– Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Bước 4. Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành kết quả giải quyết

Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp.

– Nếu đồng ý kết quả giải quyết tranh chấp thì kết thúc tranh chấp.

– Không đồng ý kết quả giải quyết thì: Khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp tỉnh).

– Thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, tăng thêm 10 ngày (nếu tranh chấp xảy ra tại các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn).

Lưu ý: Thời hạn giải quyết tại UBND cấp huyện, cấp tỉnh không tính những thời gian sau:

+ Các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật;

+ Không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất;

+ Không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Cách 2. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân (thủ tục tương tự như mục 4 – Tranh chấp đất đai mà có giấy tờ).

Trên đây là toàn bộ thủ tục giải quyết tranh chấp đấ đai. Qua đó, có thể thấy tranh chấp đất đai là tranh chấp rất phức tạp và kéo dài. Do vậy, nếu các bên tự hòa giải hoặc hòa giải tại UBND cấp xã là đơn giản và nhanh chóng nhất.

Nếu bạn cần tư vấn chi tiết hơn, hãy liên hệ với Luật Đại Hà theo thông tin dưới đây để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng nhất:

Công ty Luật TNHH Đại Hà

Địa chỉ: Số 44, ngõ 282 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0972.923.886 – 02437532022         Email: daiha@luatvina.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *