Đời sống kinh doanh năm 2014, bên cạnh những thành công và những bước tiến mới về khuôn khổ pháp lý thì có không ít lần ‘dậy sóng’ tranh cãi về những chính sách ban hành bất khả thi, đánh đố doanh nghiệp, hoặc quá mới ở Việt Nam, vượt ngoài khung khổ pháp lý hiện hành mà hết năm, vẫn chưa có hồi kết.

1. Cấm bán bia vỉa hè và sau 22 giờ đêm

Cuối tháng 8, theo dự thảo Nghị định về sản xuất kinh doanh bia, cơ quan soạn thảo, Bộ Công Thương đã dự kiến cấm kinh doanh bia tại các địa điểm: trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè, cấm bán cho người dưới 18 tuổi, cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Một làn sóng phản ứng từ dư luận với nhiều ý kiến lên tiếng, đây là “lệnh cấm” bất khả thi. Bia bình dân ở vỉa hè là một thói quen đặc trưng của hàng triệu thực khách Việt Nam, không nên cấm đoán. Riêng về độ tuổi của khách, rất khó để chủ hàng bắt khách phải trình chứng minh thư để chứng minh đủ tuổi uống bia

Một tháng trước đó, Bộ Y tế cũng gây chấn động dân nhậu Việt Nam khi đề xuất cấm bán bia sau 22h đêm trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Sau những phản hồi tranh luận, Bộ Công Thương đã hạ tông cấm đoán bằng việc chỉnh lý lại, chỉ yêu cầu chung bán bia tuân thủ các quy định về quản lý trật tự đô thi, đồng thời, chuyển xuống thành khuyến cáo và cảnh báo không bán cho người dưới 18 tuổi…

Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn cứng rắn bảo lưu quan điểm nhưng co hẹp lại phạm vi, chỉ cấm bán bia sau 22h ở một số địa điểm.

Tuy nhiên, hết năm nay, cả 2 chính sách trên vẫn chưa được ban hành.

kinh doanh bia vỉa hè

Bộ Công Thương đã dự kiến cấm kinh doanh bia vỉa hè

2. Kinh doanh trên Facebook có phải nộp thuế?

Đầu tháng 12, thông tin “kinh doanh trên Facebook sẽ phải đăng ký, nộp thuế”. Điều này xuất phát từ quy định của Bộ Công Thương tại Thông tư 47 hướng dẫn Nghị định 52 về quản lý thương mại điện tử.

Dân mạng bàn tán xôn xao. Vì bán hàng trên trên facebook hiên nay quá phổ biến, với nhiều người chỉ là tranh thủ làm thêm nhất thời, lời lãi vài triệu bạc. Dân mạng phản ứng vì thấy không đáng phải nộp thuế, đăng ký. Các chuyên gia pháp lý vào cuộc cũng ngạc nhiên cho rằng, quản lý thế nào với hàng triệu trang facebook như vậy?

Một tuần sau đó, thông tin phản hồi chính thức của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã hạ nhiệt dư luận.

Cục cho biết, chỉ những mạng xã hội đã được đăng ký thành lập, hoạt động ở Việt Nam thể hiện qua việc có văn phòng đại diện, có chi nhánh hoạt động ở Việt Nam hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam, đuôi .vn thì mới thuộc đối tượng quản lý của các văn bản trên.

Facebook chưa mở chi nhánh ở Việt Nam thì nghiễm nhiên, nằm ngoài vùng kiểm soát của Bộ này.

Riêng về vấn đề nộp thuế, cả Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, cũng như Tổng cục thuế đều khẳng định, dưới bất kỳ hình thức nào, đã phát sinh thu nhập thì người dân phải đóng thuế đúng quy định của pháp luật.

3. Lúng túng quản lý dịch vụ taxi Uber

Những ngày cuối năm, các cơ quan quản lý vẫn còn đang đau đầu tính toán các phương án để quản lý Uber- một loại hình dịch vụ chia sẻ taxi kết nối qua ứng dụng phần mềm internet trên smartphone- đã vào Việt Nam từ khoảng tháng 6.

Hai luồng ý kiến trái chiều thể hiện rõ hai thái cực, một bên phản đối cho rằng, dịch vụ taxi qua Uber không đúng pháp luật, không đóng thuế, không an toàn nên thiệt hại cho cả Nhà nước và người sử dụng. Một bên ủng hộ cho rằng, người dân được hưởng dịch vụ taxi rẻ hơn, cần tìm cách hợp pháp hoá. Khi pháp luật chưa có quy định cụ thể thì Uber không vi phạm pháp luật.

Thủ tướng đã phải có công văn chỉ đạo xem xét loại hình dịch vụ này. Bộ Tài chính và bộ GTVT đều khẳng định sẽ quản lý được Uber bằng phần mềm thông minh, Uber sẽ phải đóng thuế thu nhập và giá trị gia tăng với mức 5% trên doanh thu.

4. Thưởng gần 90 tỷ chưa có quy định

Tháng 1, Bộ GTVT đã đề xuất một khoản tiền thưởng tới gần 90 tỷ đồng theo hợp đồng đã ký, dành cho hai nhà thầu đã thi công vượt tiến độ tới hơn 1 năm ở dự án giai đoạn 2, đường Vành đai 3, Hà Nội. Đó là Liên danh Samwhan (Hàn Quốc) -Cienco 1 được thưởng hơn 38,85 tỷ đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Suimitomo Mitsui (Nhật Bản) được thưởng trên 51,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tháng 12, Bộ Tài chính gửi công văn tới Chính phủ băn khoăn vì khoản thưởng khủng này là lấy nguồn từ ODA. Hiện, Luật Quản lý nợ và Luật Ngân sách đều không có quy định nào về vấn đề này, trong khi nguyên tắc sử dụng ODA là dùng cho đầu tư phát triển, không phải để… cho thưởng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu luật chưa quy định rõ ràng thì việc thưởng có thể là phạm luật. Nếu vẫn muốn thưởng mà không phạm luật thì chỉ có cách là sửa luật.

Bộ Tài chính đã gửi ý kiến lên Thủ tướng và đang chờ hồi âm chính thức.

5. Cho người Việt vào chơi casino, lợi hay hại?

Sau 4 năm sửa đi sửa lại bản thảo, dự thảo Nghị định kinh doanh casino mới nhất đã được hoàn tất vào tháng 8, trình Thủ tướng cuối năm.

Một trong những điểm đột phá nhất là Bộ Tài chính- cơ quan soạn thảo – đã quy định, sẽ cho phép người Việt đủ 21 tuổi trở lên có năng lực tài chính vào chơi casino. Đề xuất này đã như báo hiệu cởi trói tư duy quản lý một ngành dịch vụ mới.

Các lãnh đạo tỉnh như Kiên Giang, Quảng Ninh, nơi đã có các dự án casino được Bộ Chính trị đồng ý nguyên tắc- tràn đầy hi vọng. Trong khi đó, ông trùm Las Vegas Sand của Hoa Kỳ vẫn kiên nhẫn chờ đợi bút phê chính thức của Chính phủ về chủ trương này.

Phải nói rằng, cả 1 năm trước đó, đề xuất trên đã gây tranh cãi gay gắt, bởi bên cho rằng, casino không phải cờ bạc theo cách hiểu thông thường, mở casino sẽ mang lại nguồn thu lớn cho quốc gia, một bên lại nghi ngại, casino là cờ bạc, là xấu xa, nhiều hệ luỵ về đạo đức xã hội khôn lường.

Kết thúc năm, dự thảo Nghị định này vẫn chưa ban hành.

Thư viện pháp luật

CÔNG TY LUẬT ĐẠI HÀ
Địa chỉ: Số 44/282 Lạc Long Quân, P. Bưởi, Tây Hồ,Hà Nội
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH TẠI SƠN TÂY
Địa chỉ: Số 78 phố Sơn Lộc, P. Sơn Lộc, TX. Sơn Tây, Hà Nội
Hotline: 0972 923 886

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *