Luật sư ơi, xin Luật sư tư vấn giúp em.
Hiện giờ nhà của em được bán với giá 1tỷ 800 triệu, và chủ ngôi nhà của em là Bà Nội (đã chết)
Sau đó Ba của em làm sổ và đứng tên ngôi nhà
Bà Nội có 7 người con, khi bà nội mất,bà có làm di chúc cho toàn bộ phần bà Nội cho Ba của em, và phần ông nội thì em nghĩ là 50%, ông Nội đã mất trước năm 75)
Người thứ 5 và 6 đòi chia di sản (người thứ 6 vượt biên đi nước ngoài, lâu lâu vẫn còn liên lạc).
Luật sư ơi, nhờ Luật sư tư vấn giúp em, nếu theo luật thì phần tiền đó chia như thế nào!
và nếu có ra tòa thì có xét đến tình người ko vậy Luật sư, bởi vì những người đó bất hiếu với cha mẹ!!!
Mong chờ câu trả lời của Luật sư, em xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Kính gửi bạn Minh,
Luật Đại Hà xin gửi tới bạn lời chào trân trọng, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thư tư vấn tới Công ty chúng tôi. Dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, trên cơ sở nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật liên quan, Luật Đại Hà giải đáp những thắc mắc về Vấn đề chia di sản thừa kế của gia đình bạn như sau:
Thứ nhất, xác định nguồn gốc hình thành ngôi nhà ( trị giá 1.800.000.000 VNĐ), hiện trạng pháp lý ngôi nhà có phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bà nội bạn hay không: Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 ( sửa đổi bổ sung 2009) về thừa kế theo di chúc, theo đó Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Tại Điều 634 về di sản thừa kế gồm “ tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.Căn cứ theo Điều 638 , người lập di chúc có các quyền sau:
“1. Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Bà nội bạn có quyền lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản của mình cho bất kỳ ai theo nguyện vọng, ý chí của mình. Tuy nhiên, về phạm vi tài sản, bà nội bạn chỉ có quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình, đó là tài sản riêng của bà, phần tài sản trong tài sản chung.
Theo như thông tin mà bạn cung cấp, ông nội bạn mất trước năm 1975. Cần xem xét ngôi nhà có từ thời điểm nào, là tài sản chung của ông bà trong thời kỳ hôn nhân hay tài sản của riêng của bà được tạo lập sau khi ông qua đời. Nếu thông qua các giấy tờ, tài liệu chứng minh được ngôi nhà là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà nội bạn, hình thành sau khi ông nội bạn mất thì bà nội bạn có toàn quyền quyết định. Việc bà nội bạn để lại di chúc cho bố bạn với toàn bộ căn nhà là hợp pháp.
Nếu không chứng minh được ngôi nhà là tài sản riêng của bà nội bạn thì ngôi nhà đó đương nhiên là tài sản chung của ông bà , bà bạn chỉ có quyền quyết định với ½ ngôi nhà, ½ còn lại phải được chia theo pháp luật.
Thứ hai, vì bạn chưa cung cấp thông tin cụ thể về các thời điểm: bà nội mất, thời điểm mở thừa kế, thời điểm các anh chị ruột của bố bạn yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế nên chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết hơn cho bạn. Tuy nhiên, về vấn đề bất hiếu với cha mẹ được xác định như thế nào khi phân chia di sản thừa kế. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 648 Bộ luật Dân sư, một người có quyền “Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế”. Theo đó, nếu như một trong số những người con có hành vi bất hiếu, ngược đãi với cha mẹ, thì bà nội bạn có quyền truất quyền hưởng di sản thừa kế của họ, điều này phải được ghi nhận trong di chúc hợp pháp của bà. Theo như bạn chia sẻ thì người đó bất hiếu, mà không có chứng cứ, giấy tờ hợp lệ chứng minh thì không được coi là cơ sở để Tòa án xem xét khi chia di sản.
Tuy nhiên, việc xem xét căn cứ để chia di sản, một trong những người con của bà nội bạn có bị truất quyền thừa kế hay không chỉ đặt ra khi ngôi nhà không thuộc quyền sở hữu riêng của bà nội bạn. Bởi khi ngôi nhà đó đã là tài sản riêng của bà bạn, bố bạn được hưởng theo di chúc hợp pháp thì những người con còn lại không có quyền kiện đòi chia di sản theo pháp luật nữa.
Trân trọng./