Có 15,8% doanh nghiệp nhóm này có chi phí không chính thức năm 2011, nhưng đến 2013 đã tăng lên 22,7

Trong kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2013 ở Việt Nam, vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố có cho rằng, tính phi chính thức và thuế có liên quan chặt chẽ với hoạt động hối lộ và tham nhũng và là các nhân tố chính trong môi trường kinh doanh của một quốc gia. Các khoản chi phi chính thức có thể được đưa ra để đổi lại dịch vụ nào đó mà quan chức nhà nước cung cấp.

45% doanh nghiệp vừa và nhỏ chi hối lộ năm 2013

Kết quả điều tra này cho thấy, có tới 45% doanh nghiệp chi hối lộ năm 2013, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2011 chỉ là 38%. Đồng thời, có 15,8% doanh nghiệp có chi phí không chính thức năm 2011, nhưng đến 2013 đã tăng lên 22,7%. Đáng chú ý nữa, 38,5% doanh nghiệp không chi hối lộ trong 2011 đã thực hiện chi hối lộ trong 2013. Doanh nghiệp chi các khoản này để đối phó với cơ quan, người thu thuế cũng như kết nối với các dịch vụ công. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không tiết lộ lý do.

Chỉ ra mối quan hệ giữa hối lộ và biến động của doanh nghiệp, nghiên cứu này còn cho thấy, các doanh nghiệp chi hối lộ không mở rộng thị trường lao động của mình nhiều hơn so với các doanh nghiệp không chi hối lộ. Và các doanh nghiệp chi phí hối lộ cũng có xác suất thoát khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp không hối lộ là 3%.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, những yếu tố ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp như nêu trên là không mới. Thực trạng này khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rủi ro cao hơn, chi phí kinh doanh cũng cao hơn, do đó, điều kiện để gia nhập thị trường khó hơn.

Bình luận về kết quả điều tra này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần phải có sự minh bạch trong giao dịch công. “Minh bạch giúp tạo ra một sự công bằng đối với tất cả mọi người. Bởi ai cũng qua một quy trình như nhau về nộp thuế, nộp bảo hiểm….Chẳng có lý do gì mà tôi phải bôi trơn nhiều hơn so với anh khác”.

Tuy nhiên, theo bà Lan, cũng cần phải kiên trì chờ việc thực hiện Nghị quyết 19 về đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ. “Mặc dù hiện nay các Bộ cũng đang tuyên bố là cố gắng làm, sẽ giảm đến mức này mức khác. Nhưng theo tôi, Nhà nước cần phải hỏi doanh nghiệp xem thực sự cải thiện được thế nào, chứ đừng nghe các cơ quan họ tuyên bố đã giảm”.

Vì theo quan sát của bà Lan, “lâu nay, có nhiều cơ quan đã tuyên bố tình hình có cải thiện một bước, nhưng không ai biết được bước đó thế nào. Bởi vì sẽ không biết được sự thật nếu không hỏi chính những người họ đang trong quá trình đó, là nạn nhân của những bước đó”.

Từ đó, về thực trạng doanh nghiệp phải chi phí “bôi trơn” như điều tra vừa công bố, bà Lan cho rằng, “chi phí bôi trơn ở Việt Nam, nói cho cùng, gắn với hệ thống làm việc của ta (gồm cả hệ thống thể chế, cái gắn với bộ máy Nhà nước, quy định của Nhà nước đặt ra…). Do đó, chỉ có Nhà nước chủ động quy định lại cho văn minh hơn, minh bạch hơn, và làm rõ trách nhiệm của mình, cương quyết trừng trị thẳng thừng những ai đang trong bộ máy mà không tuân thủ theo quy định mới, thì có thể cải thiện được tình hình”.

Làm việc qua máy tính sẽ giảm sách nhiễu

Giải thích rõ hơn về giải pháp giảm nhũng nhiễu từ phía cơ quan công quyền để doanh nghiệp giảm gánh nặng phí “bôi trơn”, bà Lan cho biết: Để các thủ tục liên quan đến thuế giảm từ 872 giờ xuống còn 171 giờ/năm, chỉ có cách là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Khi người dân, doanh nghiệp làm việc với cơ quan thuế thông qua máy tính, sẽ giảm được phiền hà, sách nhiễu.

Với cách làm này, bà Lan tin là sẽ giải quyết được vấn đề hết sức căn cơ. Giảm thời gian cũng giúp Nhà nước thực hiện được cải cách hành chính, cải cách bộ máy của mình. Lúc đó, không có lý gì giữ đội ngũ cán bộ thuế, bảo hiểm xã hội… đông như hiện nay. Bộ máy giảm, cán bộ được tăng lương gấp đôi, gấp ba thì sẽ bớt tiêu cực.

Với kết quả này, Ngài John Nielsen, Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, “Việt Nam không nên quá mải mê với những thành tựu đã đạt được thời gian qua. Vì trước mắt, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, như: nạn tham nhũng, quan liêu, thiếu lao động có trình độ cao. Việt Nam cần có chính sách để giải quyết tình trạng doanh nghiệp phải trả các chi phí không chính thức, hối lộ”./.

Xuân Thân- Thư Viện Pháp Luật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *