Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc đã được ban hành khá lâu, đang gây nhiều tranh luận.
Ngày 01/10/2014 vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (“Bộ VHTTDL”) đã ban hành Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc (“Thông Tư 10”) áp dụng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký doanh nghiệp và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thông Tư 10 này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2014.
Điều đầu tiên có thể khẳng định rằng, những hướng dẫn về cách đặt tên trong Thông Tư 10 không phải là mới khi mà những hướng dẫn này đã được quy định tại Điều 32.3 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 14.3 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp (“Nghị Định 43”). Và phải đợi hơn 4 năm sau đó, kể từ ngày Nghị Định 43 được ban hành – ngày 15/4/2010, Bộ VHTTDL mới hoàn thành “sứ mệnh” được Chính Phủ giao. Tại Điều 12.5 Nghị Định 43 ban hành thông tư hướng dẫn về đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc và việc sử dụng tên danh nhân trong đặt tên doanh nghiệp.
Mặc dù được ban hành đúng thẩm quyền và những hướng dẫn không phải là mới, Tuy nhiên, Thông Tư 10 với vỏn vẹn 5 điều như “đổ thêm dầu vào lửa” khi làm bùng phát trở lại những tranh cãi về cách đặt tên doanh nghiệp vốn đã âm ỉ từ thời điểm Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành.
Những ai được gọi là danh nhân, nhân vật lịch sử? Những địa danh nào là địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược? Những từ ngữ, ký hiệu nào mang ý nghĩa dung tục hoặc thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa …?
Những trường hợp đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc đã chưa được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị Định 43 thì nay đã được bổ sung tại Điều 2 và Điều 3 Thông Tư 10. Từ những tranh cãi đã có trước khi Thông Tư 10 được ban hành, người dân, doanh nghiệp và thậm chí là cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh kỳ vọng rằng sẽ có những hướng dẫn rõ ràng hơn của Bộ VHTTDL về cách đặt tên doanh nghiệp sau khi thông tư này được ban hành. Tuy vậy, sau hơn 4 năm chờ đợi, những hướng dẫn của Bộ VHTTDL trong Thông Tư 10 lại rất mơ hồ, khó áp dụng và xác định trên thực tế. Cụ thể:
Điều 2 và Điều 3 Thông Tư 10 đã liệt kê những trường hợp đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ví dụ như: sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; hoặc là sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới tính…
Mặc dù vậy, Thông Tư 10 lại không đưa ra bất kỳ khái niệm nào về “danh nhân”,  “nhân vật lịch sử”, và cũng không đưa ra được danh sách danh nhân, nhân vật lịch sử hay địa danh hay từ ngữ, ký hiệu được coi là vi phạm để doanh nghiệp và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có cơ sở đối chiếu và tuân thủ.
Điều này có thể gây ra sự lung túng cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, ví dụ như: hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp có thể bị từ chối tùy tiện vì lí do sử dụng tên danh nhân trong khi chưa có bất kỳ danh sách danh nhân nào để xác định.
Có xử lý được những trường hợp vi phạm không?
Điều 5.2 Thông Tư 10 quy định: “Thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch; tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật”. 
Theo quy định trên, thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch chỉ có thể xử lý vi phạm khi “sự đã rồi”, nghĩa là sau khi doanh nghiệp đã được thành lập bởi vì không có sự tham gia của cơ quan này vào quy trình đăng ký kinh doanh hiện nay. Khi đó, ngoài việc xử lý doanh nghiệp đã được thành lập có tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn phải xử lý cả cơ quan đăng ký kinh doanh vì đã chấp thuận tên đăng ký của doanh nghiệp. Theo Điều 16.3 Nghị Định 43, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.
Một vấn đề nữa là Thông Tư 10 chưa có các quy định để rà soát và xử lý vi phạm nếu có đối với 53.192  doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2014 trên toàn quốc chứ chưa tính đến số doanh nghiệp được thành lập mới sau khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành. (Số liệu lấy từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia)
Giả sử phát hiện ra trường hợp vi phạm, liệu doanh nghiệp đã đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc có bắt buộc phải đổi tên doanh nghiệp không khi mà Nghị Định 43 chỉ hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp trùng, tên gây nhầm lẫn tại Điều 16 và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp tại Điều 17.
Vì vậy, tính khả thi của Điều 5.2 Thông Tư 10 dường như chưa được xem xét đến khi mà chưa đưa ra được một cơ chế phù hợp nào để xử lý doanh nghiệp đã được thành lập có tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc và đối với doanh nghiệp sắp được thành lập thì cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh chỉ biết “lúng túng” từ chối hồ sơ.
Kết luận
Thông Tư 10 đã khiến cho việc đi tìm lời giải cho bài toán đặt tên doanh nghiệp làm sao để tuân thủ pháp luật ngày càng trở nên khó khăn. Thông tư này chưa có hiệu lực nhưng mà có lẽ đa phần mọi người đều mong rằng giá như nó chưa từng được ban hành ngay từ khi còn là dự thảo.
Cơ sở pháp lý:
Điều 12.5 Luật Doanh nghiệp 2005:
Điều 32.3 Luật Doanh nghiệp 2005:
Điều 14.3 Nghị Định 43:
Điều 16.4 Nghị Định 43:
Điều 2 Thông Tư 10:
Điều 3 Thông Tư 10:
Điều 5.2 Thông Tư 10:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *